Văn Tế Giỗ Tổ Hùng Vương

   Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương là những áng văn thành kính hàm chứa lòng biết ơn và tôn kính tổ tiên. Nhân ngày giỗ Tổ thứ 4897 đến gần, trân trọng giới thiệu “Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương” do đích thân thầy Võ Thanh Vân – Hiệu trưởng nhà Trường viết. Mọi trao đổi về bài viết xin liên hệ trực tiếp với Thầy Vân qua số đt: 0903121514 hoặc Email: feps2011@gmail.com.

Việt Nam, ngày 10 tháng 3 năm 4896 Việt lịch.

Chúng con… (Cá nhân, Cơ quan, đơn vị)… thành tâm chắp tay cúi lạy dâng hương, kính cáo cùng:

Tiên Linh Thủy tổ nước Việt Kinh Dương Vương Lộc Tục, Việt tổ khảo Lạc Long Quân Sùng Lãm, Việt tổ tỷ Âu Cơ

Tiên Linh 18 đại Hùng Vương và các tiên triều

Tiên Linh trăm họ Âu Lạc Việt và các Anh hùng, Liệt nữ của đất nước

Cáo rằng:

 

Thầy Võ Thanh Vân đọc Văn tế Giỗ tổ Hùng Vương kỳ giỗ 4895(2016)

Thầy Võ Thanh Vân đọc Văn tế Giỗ tổ Hùng Vương kỳ giỗ 4895(2016)

Nước có nguồn, cây có cội

Chim có tổ, người có tông

Bảo tồn bản sắc giống nòi để làm người có gốc

Ghi nhớ công ơn tiên tổ cho con cháu biết dòng

Đó là truyền thống Việt bao đời gìn giữ

Truyền lưu câu ca dao ấm mãi không nguôi

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

Nhớ chư tổ xưa,

Lĩnh Nam một dải hoang vu, công khai phá mồ hôi tràn Xích Quỷ[1]

Âu Lạc hai dòng hợp nhất, giữ giống nòi máu đỏ đẫm Văn Lang[2]

Dạy dân con thuần khiết, thiện lương; lấy trung hậu, đồng nhân[3] làm tiêu đích

Trị đất nước khoan dung, hòa ái; dùng nhân luân, đức hóa thay trừng đe

Hào hùng thay: Trống đồng dội, vạn thù khiếp vía, huyền thoại lưu ca

Rực rỡ quá: Đàn đá reo, muôn dân ca xang, hội mùa vĩnh lạc.

Chống giặc tự thiếu niên, tài Thánh Gióng vang danh Phù Đổng

Vô tranh bằng đức tịnh, hạnh Sơn Tinh rạng rỡ Tản Viên[4]

Lo nông tang như An Tiêm, hoang đảo thành đồng dưa trù phú

Lòng bao la như Đồng Tử, thành trì hóa dạ trạch tiêu diêu

Gương hiếu đạo mộc mạc Lang Liêu

Tình sắc son thủy chung Cao thị

Hai nghìn sáu trăm năm dư là bản hùng ca thần công Bắc địch

Mười tám triều đại nguyên sơ là nôi văn minh thánh tích Nam di

Than ôi, 

Loài Linh cẩu bản bạo chất tham, quyết giật cơ đồ, chẳng nề thô bỉ.

Phận Chúa rừng tâm thanh chí quảng[5], đành buông quốc tộ[6], không chuốc nhớp nhơ

Ôi!

Một phút sa cơ, ngàn năm quốc hận

Nhà nhà lận đận, thế thế[7] não nùng

Tiếng bố ơi[8] rươm rướm lệ dân Hùng

Lời ly ước[9] nỉ non đàn chim Việt

May nhờ,

Ngàn văn hiến lưu truyền từ Việt tổ,

Triệu con tim cùng đập nghĩa đồng bào

Chống giặc Bắc, núi sông là hầm chông hào lũy

Hóa dân Nam, chương đạo thay kiếm kích binh đao

Dẫu Hát giang có chìm thân liệt nữ

Thì Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa đã rạng chí hùng nam

Điện Biên, Ba Đình hào khí vang vang

Biên giới, Hải đảo trung trinh tiết liệt

Qua gian khó tủi hờn, nước non lại đến kỳ thái bình độc lập

Bao chiến công hiển hách, con cháu đã giữ tròn gấm vóc non sông

Tuy năm mươi bốn dân tộc anh em đoàn kết một lòng

Nhưng năm ngàn năm văn hiến chưa xứng đền ơn nghĩa cả

Kính lạy chư linh, chúng con nay: 

Mượn nhang đèn thể hiện lòng thành

Dâng bánh trái hàm ơn tiên tổ

Nguyện rằng:

Xem giang sơn là máu thịt, tiếp cha ông quyết bảo toàn lãnh thổ,

Giữ văn hiến như tim gan, phối tân học dựng minh triết Việt Nam

Cố sao cho:

Trống Ngọc Lũ rền vang, cáo thế giới Nam quốc sơn hà Nam đế trị[10]

Chiêng Đông Sơn thống thiết, nhắc nhân tâm Văn Lang văn hiến Văn dân trì[11]

Cả nước khắc ghi

Dập đầu đảnh lễ

Linh thiêng chư tổ

Chứng giám lời thề

Lạy mời chư linh lên đàn thọ cúng

Phiêu thạch ba

Cẩn bút

Viết tại TP. Hồ Chí Minh,

Viết xong ngày 07 tháng 03 năm 4895 Việt lịch

Chỉnh biên ngày 05 tháng 03 năm 4896 Việt lịch

Mời đọc bản gốc và các comment trên wesite Giáo dục Việt Nam

Chú thích về Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương:

[1] Xích Quỷ là tên đầu tiên của nước Việt Nam, thời Kinh Dương Vương Lộc Tục.

Xích (赤): Phần tinh hoa nhất, cốt yếu nhất, cự phách nhất: một nghĩa khác là phương Nam. Quỷ (姽): Đẹp thùy mị. Xích Quỷ có nghĩa là tinh hoa của vẻ đẹp thùy mị (ở miền Nam) (Chú thích của Phiêu thạch ba)

[2] Văn Lang (文郎) là tên nước do Hùng Vương đặt.

Văn nghĩa là nét đẹp rõ rệt từ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. Lang (郎) nghĩa đen là người đàn ông, phổ quát đến quy mô nhà nước thì hiểu là quốc nhân, nghĩa hình thể là đất nước. Văn Lang là Đất nước có nét đẹp rõ rệt từ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. (Chú thích của Phiêu thạch ba)

[3] Đồng nhân (同 人): Hòa nhập với mọi người, xem mọi người như nhau

[4] Trong cuộc chiến Sơn tinh, Thủy tinh: Sơn tinh dùng tịnh chế động, dùng “không đánh” mà thắng, như học thuyết Lão tử: Bất tranh nhi thiện thắng.

[5] Tâm thanh chí quảng: Tâm trong chí rộng

[6] Tộ (祚): Ngôi vua, lộc nước

[7] Thế (世): Thời gian từ đời này (vd: cha) đến đời kế tiếp (con) là thế. Một thế khoảng 30 năm.

[8] BỐ ƠI: Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi”. Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi – – Kinh Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp.

[9] Lời LY ƯỚC (Lời giao ước khi chia tay): Khi chia tay với Âu Cơ, Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên” – Kinh Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp – Văn tế giỗ tổ Hùng Vương 2016.

[10] Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

[11] Trì (持): Giữ cho lâu dài, trông nom, cai quản.

Nghĩa toàn câu: Văn hiến của nước Văn Lang do người dân nước Văn Lang cai quản, giữ gìn.

“NGỌC VIỄN ĐÔNG - MỖI HỌC SINH MỘT VIÊN NGỌC”

CÁC TIN LIÊN QUAN