Chia Sẻ Bí Quyết Học Tốt Môn Văn của Cô Phan Thị Hà
Làm thế nào để học tốt môn Văn? Đây có lẽ là câu hỏi của hầu hết học sinh cấp THCS và THPT. Sau đây là một số chia sẻ về “Bí quyết học tốt môn Văn“ của cô Phan Thị Hà. Bài viết sẽ giúp các em tự xây dựng một phương pháp học Văn hiệu quả.
Ngữ Văn là một trong những môn học chính trong trường trung học. Nó có mặt trong tất cả các kỳ thi như Tốt nghiệp THPT QG, Đại học, thi học sinh giỏi… Không ít học sinh hiện nay đều cho rằng môn Văn đã rèn luyện cho các em rất nhiều kỹ năng để áp dụng vào cuộc sống. Làm cho các em hình thành những phẩm chất, tư tưởng tốt hơn. Học Văn là học cách làm người, đối nhân xử thế. Nhưng bên cạnh đó, cũng có học sinh cho rằng để học Văn tốt thì cần phải có năng khiếu. Điều đó không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Nếu học sinh có năng khiếu văn chương thì quả thực đó là một lợi thế. Tuy nhiên, năng khiếu chỉ là một phần. Một số yếu tố không kém phần quan trọng là kiến thức, phương pháp ôn thi và kỹ năng làm bài. Có được chúng thì chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục môn Văn.
“Văn học, nó cũng giống các môn khoa học tự nhiên ở chỗ là nó cũng có công thức. Nếu các em có thể nắm bắt được những công thức đó thì môn Văn cũng đơn giản thôi”. Có thể đúc kết những hoạt động cần thiết, như sau:
Nắm chắc nội dung cơ bản nhất trong từng tác phẩm:
Đầu tiên, các em hãy nắm chắc nội dung chính, cơ bản nhất của tác phẩm. Không cần phải quá cầu kì, hoa mĩ; Không cần phân tích những thứ xa xôi, trừu tượng. Điều quan trọng để học tốt môn Văn đó chính là: Hãy cố gắng hiểu rõ nội dung chính trong đó rồi sau đó sẽ triển khai ra các ý mới. Tiếp theo đó là các ý phụ bổ sung. Trong quá trình Giáo viên giảng bài, hãy chú ý thật kĩ phần giáo viên giảng ở bảng phụ. Nhiều em khi học Văn đều bỏ qua bảng này, chỉ ghi những ý chính mà giáo viên ghi lên bảng. Điều này có thể sẽ khiến cho các em mất đi một số ý hay để dẫn vào các ý chính mà giáo viên sẽ chốt lại.
Nắm chắc nội dung cơ bản của tác phẩm là một trong những Bí quyết để học tốt môn Văn
Đọc và rung động theo cảm xúc của tác giả:
Những cuốn truyện, tiểu thuyết hoặc thậm chí những bài báo sẽ là phương tiện hỗ trợ học Văn hiệu quả. Đọc nhiều sách, các em được trau dồi thêm vốn từ, làm cho hệ thống ngôn từ của mình ngày càng phong phú; Biết cách áp dụng để làm cho câu văn của mình thật sâu sắc và nhạy bén.
Tuy nhiên, không phải cứ cầm cuốn sách lên, chăm chăm học thuộc lòng từng câu, từng chữ là được. Đó là một cách học vô cùng thụ động, nhàm chán, khó vận dụng. Đọc sách hiệu quả là phải thưởng thức văn phong, rung động theo cảm xúc của tác giả. Đọc như vậy, không những giúp các em kỹ thuật viết văn mà còn làm cho tâm hồn ngày càng phong phú.
Như đã nói ở trên, nắm được nội dung chính tác phẩm là điều quan trọng. Nhưng để bài văn hay thì rất cần phô diễn được chiều sâu của tâm hồn mình.
Mỗi ngày các em dành một khoảng thời gian nhất định để thưởng thức văn phong, rung động cùng các tác phẩm (đặc biệt là các tác phẩm văn xuôi quan trọng). Đó là một cách rất hiệu quả để giữ ý văn luôn trôi chảy trong đầu. Không cần phải học thuộc lòng.
Rèn luyện tinh thần tự giác học tập:
Không chỉ môn Văn. Tất cả các môn học đều cần tinh thần tự giác: Tự giác học, tự giác đọc và tự giác trau dồi thêm kiến thức. Mọi phương pháp đều không thể có hiệu quả nếu bản thân học sinh thiếu đi tính tự giác. Khi mỗi học sinh đều tự giác, chủ động trong việc học tập thì các em sẽ lên được cho mình một thời gian biểu hợp lí để việc học Văn và học các môn khác có hiệu quả cao.
Kỳ kiểm tra cuối học kỳ 1 đang đến rất gần. Mọi học sinh đều cần có cho mình những phương pháp học tập và ôn tập có hiệu quả, đặc biệt là học sinh lớp 12. Bài viết ngày hôm nay hi vọng sẽ giúp đỡ được các em được điều này.
Xem thêm: “Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương” của thầy Võ Thanh Vân – Hiệu trưởng nhà Trường
Tác giả: Phan Thị Hà – Giáo viên Văn – Tổ trưởng tổ Xã hội