Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm 4902 Việt lịch

   Giỗ Tổ Hùng vương cùng với bao truyền thuyết u linh là nôi tâm linh của người Việt. Con Rồng cháu Tiên, đồng bào… là những khái niệm đáng tự hào của dân tộc ta. Uống nước nhớ nguồn, kính ngưỡng và biết ơn Tiên Tổ, yêu nước thương nòi… là những đức hạnh to lớn và cao quý của con người.

Bàn thờ Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Bàn thờ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 4902 Việt lịch

   Hình thành và phát triển những đức tính này trong tâm hồn học sinh là một trong những nhiệm vụ lớn của Giáo dục. Đó là lý do Lễ giỗ Quốc tổ Hùng vương tại Trường được tổ chức chu đáo và cảm động. Chương trình lễ chia thành 2 đợt:

  • Thứ Hai, ngày 24/4/2023, học sinh ôn lại lịch sử, Địa lý và ý nghĩa các truyển thuyết thời đại Hùng Vương
  • Ngày 28/4/2023, nhằm ngày 09/3 năm 4902 Việt lịch: Toàn trường thực hiện nghi thức Giỗ.

Văn nghệ chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương của trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Văn nghệ chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương năm 4902 Việt lịch.

   Khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương năm 4902 Việt lịch:

   Trong diễn văn khai mạc, Thầy Nguyễn Khắc Khanh – P. HT của trường, đã nêu bật ý nghĩa ngày Lễ: Đây là dịp để ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đã trải qua hơn bốn ngàn năm… Qua đây, nhà trường hy vọng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau kế thừa và phát huy những truyền thống, đạo lý tốt đẹp của ông cha trong quá khứ; Từ đó không ngừng ra sức rèn đức, luyện tài, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Như thế mới xứng đáng là con cháu dòng dõi Tiên Rồng.

Thầy Nguyễn Khắc Khanh đọc diễn văn khai mạc

Thầy Nguyễn Khắc Khanh – P. HT đọc diễn văn khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương

   Giỗ Tổ Hùng Vương năm 4902 Việt lịch:

   Phần chính của buổi lễ bắt đầu với các nghi thức trang nghiêm, long trọng: Lề dâng đèn; Lễ dâng trà, rượu; Lễ dâng hương và đánh trống khai lễ.

   Toàn thể giáo viên, học sinh đã cùng đọc, cùng rung động theo từng câu trong bài văn tế của Thầy Phiêu thạch ba – Võ Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường:

Học sinh toàn trường đọc theo bài văn tế của Phiêu thạch ba - Thầy Võ Thanh Vân - Hiệu trưởng nhà Trường

Học sinh đọc theo bài “Văn tế Giỗ Tổ Hùng Vương của Thầy Phiêu thạch ba – Võ Thanh Vân – Hiệu trưởng nhà Trường

   Cùng đau đớn và xót xa cho chư Tổ:

“Lĩnh Nam một dải hoang vu, công khai phá mồ hôi tràn Xích Quỷ[1]

Âu Lạc hai dòng hợp nhất, giữ giống nòi máu đỏ đẫm Văn Lang[2]

   Cùng kính ngưỡng, tôn sùng các đức hạnh của Cha Ông qua các truyền thuyết. Một thời đại của thanh bình sáng trong và đức vọng như trải ra trước mắt. Và những gian truân, bi tráng trong việc gìn giữ bản sắc, non sông:

“Hai nghìn sáu trăm năm dư là bản hùng ca thần công Bắc địch.

Mười tám triều đại nguyên sơ là nôi văn minh thánh tích Nam di.”

   Cùng uất hận, bi thương cho số phận một dân tộc mang trong mình dòng máu thiện lương, trong sáng, cao đẹp và nhu mì.

“Than ôi,

Loài Linh cẩu bản bạo chất tham, quyết giật cơ đồ, chẳng nề thô bỉ.

Phận Chúa rừng tâm thanh chí quảng[3], đành buông quốc tộ[4], không chuốc nhớp nhơ.”

Toàn thể giáo viên công nhân viên trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông thắp hương Giỗ Tổ Toàn thể học sinh trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông thắp hương Giỗ Tổ

Toàn thể GV – CNV – HS thắp hương Giỗ Tổ.

   Bố Long quân đã cứu dân tộc mấy phen, nhưng không là mãi mãi. Mẹ Âu cơ lạc lõng sau chia ly đã để lại vạn kiếp thành sầu

“Tiếng Bố ơi[5] rươm rướm lệ dân Hùng.

Lời ly ước[6] nỉ non đàn chim Việt”

   Cuối cùng, ánh mắt và hành động nói lên tất cả. Dòng người, giáo viên và học sinh, ngay ngắn, trang nghiêm thắp hương đảnh lễ. Sự kính cẩn, nhiệt thành trong khói hương là lời ước nguyện của thế hệ hôm nay

“Cố sao cho:

Trống Ngọc Lũ rền vang, cáo thế giới Nam quốc sơn hà Nam đế trị[7]

Chiêng Đông Sơn thống thiết, nhắc nhân tâm Văn Lang văn hiến Văn dân trì[8]

   Lễ Giỗ tổ đã khép lại nhưng dư hương và dư hưởng đã và sẽ tích cực góp phần hình thành nhân cách cao đẹp cho toàn trường

Toàn thể học sinh trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông thắp hương Giỗ Tổ

Toàn thể giáo viên công nhân viên trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông thắp hương

[1] Xích Quỷ là tên đầu tiên của nước Việt Nam, thời Kinh Dương Vương Lộc Tục.

  Xích (赤): Phần tinh hoa nhất, cốt yếu nhất, cự phách nhất; một nghĩa khác là phương Nam. Quỷ (姽): Đẹp thùy mị. Xích Quỷ có nghĩa là tinh hoa của vẻ đẹp thùy mị (ở miền Nam) (Chú thích của Phiêu thạch ba)

[2] Văn Lang (文郎) là tên nước do Hùng Vương đặt.

  Văn  nghĩa là nét đẹp rõ rệt từ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. Lang (郎) nghĩa đen là người đàn ông, phổ quát đến quy mô nhà nước thì hiểu là quốc nhân, nghĩa hình thể là đất nước. Văn Lang là Đất nước có nét đẹp rõ rệt từ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. (Chú thích của Phiêu thạch ba)

[3] Tâm trong chí rộng

[4] Tộ (祚): Ngôi vua, lộc nước

[5] BỐ ƠI: Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi”. Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi – – Kinh Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp.

[6] Lời LY ƯỚC (Lời giao ước khi chia tay): Khi chia tay với Âu Cơ, Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên” – Kinh Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp.

[7] Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

[8] Trì (持): Giữ cho lâu dài, trông nom, cai quản.

  Nghĩa toàn câu: Văn hiến của nước Văn Lang do người dân nước Văn Lang cai quản, giữ gìn

Xem toàn bộ bài: “Văn tế Giỗ Tổ Hùng Vương” của Phiêu Thạch Ba – Thầy Võ Thanh Vân – Hiệu trưởng nhà Trường

“NGỌC VIỄN ĐÔNG - MỖI HỌC SINH MỘT VIÊN NGỌC”

CÁC TIN LIÊN QUAN