Phiên Tòa Giả Định – Tuyên Truyền Phòng, Chống Bạo Lực Học Đường

   Phiên tòa giả định – Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, được tổ chức tại trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh.

Học sinh toàn trường Ngọc Viễn Đông tập trung theo dõi phiên tòa giả định: Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đườngẢnh: Học sinh của trường chăm chú theo dõi diễn biến tại phiên tòa

1. Tình huống giả định và nội dung phiên tòa:

   Nhằm giúp cho học sinh có hành vi xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật. Góp phần phòng chống vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
   Theo luật sư Phạm Thị Bạch Huệ, người đóng vai Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa giả định. Phiên tòa kể lại tình tiết một vụ án có thật xảy ra tại quận 4, TPHCM cách đây hơn 1 năm. Do có mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook từ trước giữa Trần Phi Công sinh ngày 01/1/2006 và Huỳnh Minh sinh ngày 05/2/2005. Nên cả hai hẹn nhau ra sân banh bên cạnh nhà văn hóa quận để nói chuyện.
   Sau khi hẹn với Trần Phi Công. Minh gọi điện kể cho Nguyễn Thanh Sơn sinh ngày 15/03/2006 nghe sự việc. Minh hỏi Sơn có cây không cho Minh mượn để đi đánh nhau và rủ Sơn cùng đi. Đến 18 giờ ngày 02/10/2022, Minh rủ thêm Lê Văn Lân, Huỳnh Văn Khang đến khu vực sân banh. Để gặp nhóm của Công Minh nói để giải quyết mâu thuẫn chứ không nói là đánh nhau.
Diễn biến phiên tòa
Tình huống giả định tại Phiên tòa.
   Sơn đi đến nhà bạn tên là Lân để mượn cây sắt đem theo phòng thân. Lân cho mượn cây sắt và hỏi Sơn mượn để làm gì nhưng Sơn không trả lời. Sơn cầm cây sắt đến sân banh bên cạnh nhà văn hóa để gặp Minh.
   Khi đến khu vực sân banh thì Sơn thấy Minh và Công đang đứng nói chuyện. Sơn liền đi qua bãi đất trống đối diện sân banh giấu cây sắt vào bụi cây. Lúc này, Minh và Công nói chuyện về việc chửi nhau trên mạng. Minh thách thức “Có muốn đánh nhau không?” Công trả lời “Sao cũng được”. Nghe vậy nên Sơn đứng dậy lấy cây sắt đến đứng trước mặt Công và mắng “láo quá”. Rồi dùng cây sắt đánh 02 cái trúng vào đầu của Công khiến cho Công té xuống bất tỉnh. Sơn cầm cây sắt chạy bộ ra ngoài gặp Nguyễn Văn Hướng (bạn của Công) chở về nhà. Trên đường đi, Sơn ném cây sắt vào bụi cây.
Luật sư Phạm Thị Bạch Huệ trả lời câu hỏi cho học sinh Ngọc Viễn Đông sau phiên tòa giả định
Ảnh: Luật Sư Phạm Thị Bạch Huệ (bên phải) tư vấn pháp lý cho học sinh sau chương trình
   Về phần Công được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu. Gia đình của Công đến công an trình báo sự việc. Công an đã mời các đối tượng tham gia về trụ sở làm việc.
   Tại Bản kết luận giám định pháp y số 10 ngày 12/10/2022 của Trung tâm pháp y – Sở y tế TP.HCM đã xác định: Trần Phi Công: Chấn thương đầu gây tụ máu da đầu, tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh phải có chèn ép mô não, tỷ lệ thương tích là 10%.

   Vụ án đã được Tòa án nhân dân cấp quận thụ lý và đưa ra xét xử. Giống như phiên tòa thật từng diễn ra, bị cáo Sơn bị tuyên phạt 2 năm tù giam. Nhưng xét nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả. Nên được xem xét cho hưởng án treo thời gian thử thách là 4 năm.

Hình lưu niệm sau phiên tòa giả định tại trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông

Ảnh: Các luật sư chụp ảnh lưu niệm với thầy cô và học sinh của trường

2. Phát biểu chỉ đạo và chia sẻ cảm nghĩ sau phiên tòa giả định:   

   Phiên tòa giả định đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các học sinh trường Ngọc Viễn Đông. Bởi theo các em đây là một vụ án vô cùng sống động và là vụ án điển hình. Có thể xảy ra với bất cứ học sinh nào ở bất cứ nơi đâu khi các em không biết kiềm chế cảm xúc. Chỉ vì giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội giùm bạn, mà bị cáo thành tội phạm!
   Nhiều học sinh cho biết mình chưa từng chứng kiến một vụ bạo lực học đường nào. Nhưng qua mạng xã hội các em đã thấy có rất nhiều vụ bạo lực học đường. Các vụ việc xảy ra dù lớn hay nhỏ đều đã để lại hậu quả. Không chỉ cho người bị hại mà còn cả những người phạm tội. Phiên tòa trang nghiêm như thật, khiến các bạn hiểu ra rằng giữa giỡn chơi, đánh nhau và vi phạm pháp luật chỉ cách nhau trong gang tấc.
   Em Anh Duy, học sinh lớp 12A của trường chia sẻ: “Phiên tòa đã giúp em hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường để tìm cách phòng tránh cũng như vận động các bạn tránh xa tệ nạn này”.
   Theo thầy Võ Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường đã rất trăn trở, luôn tìm tòi, sáng tạo những hình thức giáo dục pháp luật khác nhau. Để những kiến thức pháp luật cơ bản nhất được trao cho các em một cách sinh động, dễ nhớ. Ông cho biết: “Chúng tôi chân thành cảm ơn quý luật sư của Chi hội luật sư bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đã cùng nhà trường tổ chức thành công chương trình tuyên truyền pháp luật lần này. Phiên tòa giả định không chỉ là sân chơi bổ ích giúp cho các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa. Nắm được các văn bản, điều luật mà còn góp phần truyền tải, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho lứa tuổi học sinh, đưa pháp luật vào cuộc sống. Hy vọng rằng, Chi hội luật sư sẽ tiếp tục cùng nhà Trường đồng hành nhiều chương trình tiếp theo”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tại phiên tòa giả định tổ chức tại trường THCS và THPT Ngọc Viễn Đông
Ảnh: Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tại chương trình
   Các thành viên của Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đều rất vui và xúc động trước sự quan tâm, theo dõi, cùng sự nhiệt tình trao đổi các tình huống pháp lý từ phía học sinh và sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường.

Hùng Chi

Xem thêm: “Ra mắt Ban chấp hành Chi đoàn Thanh niên trường”.

“NGỌC VIỄN ĐÔNG - MỖI HỌC SINH MỘT VIÊN NGỌC”

CÁC TIN LIÊN QUAN